@ Sọt rác.
(Tiểu phẩm hài)
Theo nguyên tắc tổ chức đảng, để lại từ ngàn xưa, mỗi một lần kết nạp đảng viên mới, phải thông qua cuộc họp quần chúng xét tư cách.
Danh từ “quần chúng” này từ lâu đã trở thành tập thể những người không phải đảng viên.
Trong những cuộc họp như thế này, người ta sẽ phải mổ xẻ các ưu khuyết điểm của đối tượng dự định kết nạp, phê phán lỗi phải chán chê, như một cuộc tuyển chọn gay gắt các ứng cử viên chạy đua vào Nhà trắng.
Nhưng cũng có một điều cần lưu ý. Khi muốn kết nạp ai vào đảng, người ta tìm cách gợi ý để mọi quần chúng thấy được các ưu điểm tuyệt vời của người đó, nhằm tập trung cho đủ phiếu thuận. Vì nếu quần chúng đa số biểu quyết đồng ý, thì chi bộ mới có cơ sở để kết nạp đối tượng đó vào đảng.
Và cái quyết định kết nạp đảng viên mới, sẽ căn cứ vào đề nghị của chi bộ cơ sở, cùng với biên bản cuộc họp quần chúng này.
Việc khai trừ đảng đối với đảng viên thoái hóa cũng diễn ra tương tự, nhưng ngược nhau về mục đích.
Người ta đưa “vị đảng viên định khai trừ” đó ra tập thể quần chúng.
Dự những cuộc họp này, ta có cảm giác như dự một phiên tòa mà không có bị cáo. Nó giống như ta chứng kiến các bà mua ve chai bới móc từ chân tơ, kẽ tóc, xem xét dè bỉu món hàng, loại bỏ bằng được ra khỏi sự luyến tiếc của chủ nhân, để rồi họ sẽ mua lại với giá rẻ nhất.
Trong cuộc họp này, thường là người ta sẽ tìm mọi cách đẩy cho bằng được đảng viên đó ra khỏi chi bộ. Mục đích là làm sao để chi bộ được “thực sự trong sạch”... cho đến khi phát hiện thêm một đảng viên thoái hóa khác. Tức là phát hiện chi bộ đó cũng chưa được trong sạch cho lắm.
Và qui trình cũ lại tiếp diễn, lại họp, lại góp ý, lại phê bình, lại biểu quyết.
Ngày ấy, thời của thập niên 80, trong chi bộ đảng khoa Ngữ Văn trường đại học “Tây đô”, có một đảng viên thoái hoá.
Từng nghe, đảng viên này vô tổ chức kỷ luật, giảng dạy kém lại hay bỏ giờ, và hình như còn có nhiều bê bối khác.
Nói theo giọng lưỡi của truyện kiếm hiệp, thì đảng viên này “tội ác chất chồng”. Còn theo lời lẽ ngày nay, thì “hắn ta đầy những thói hư tật xấu, vô phương cải tạo”.
Chẳng hiểu những ưu điểm tuyệt vời trước đây của đảng viên này (để được kết nạp đảng) lặn mất tiêu. Bây giờ chỉ còn thấy toàn khuyết điểm.
Điều này hơi lạ đối với thuyết tiến hóa của Darwin.
Hay là những tính thiện này sau một thời gian... thì lặn biệt tăm.
Và chi bộ đảng khoa Ngữ Văn thấy cần phải đưa nhân vật này ra khỏi đảng.
Để làm gì à ? thì để cho chi bộ được trong sạch, chứ còn gì nữa, hỏi hơi bị ngu.
Chi bộ là đơn vị chiến đấu cấp cơ sở của đảng, cần phải tuyệt đối trong sạch và vững mạnh.
Cho nên, cuộc họp quần chúng lần này tiến hành căng thẳng chẳng kém gì cuộc bình bầu cá nhân xuất sắc.
Như đã nói, cuộc họp này rất giống một cuộc xét xử tội nhân trước vành móng ngựa, nhưng không có tội nhân và luật sư của bên bị, nên thiếu hẳn thủ tục bào chữa của một phiên tòa.
Chủ trì cuộc họp là đồng chí Hòa, tổ trưởng bộ môn Nga văn kiêm bí thư chi bộ. Thành phần họp là toàn thể quần chúng trong đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa.
Sau khi phân tích chán chê, cân đong đo đếm các ưu khuyết điểm của đảng viên nọ, bí thư chi bộ tin chắc, với những khuyết điểm “tầy trời” này, thì quần chúng sẽ yêu cầu cho “vị đảng viên định khai trừ” ra khỏi đảng.
Bí thư chi bộ bèn yêu cầu biểu quyết, khai trừ đảng viên này ra khỏi tổ chức đảng.
Bỗng có một cánh tay rụt rè giơ lên, xin phát biểu :
- Theo tôi, đảng là một tổ chức tiên tiến, vững mạnh, có đủ các cơ sở lý luận triết học, nền tảng đạo đức, có cương lĩnh và điều lệ hoạt động với các nguyên tắc nghiêm ngặt… mà còn không giáo dục được đảng viên của mình, vậy nếu đưa ra quần chúng, làm sao chúng tôi có thể giáo dục anh ta thành người tốt được ? Mặt khác, quần chúng có phải là cái sọt rác đâu, mà cứ đảng viên nào xấu thì đưa ra quần chúng ?. Chúng tôi không phải là đảng viên trong chi bộ, làm sao có quyền góp ý, nên kết nạp người này hay nên khai trừ người kia. Anh bí thư nghĩ sao, nếu có người đến nhà anh, yêu cầu nhận người này vào nhà, hay đuổi người kia ra khỏi nhà ?
Tháng 9 năm 2008