@ Căn bệnh sợ phê bình.
(Tiểu phẩm hài)
Có một đại nhân từng nói, đại ý là phê bình và tự phê bình thường xuyên sẽ làm cho ta càng trở nên trong sạch.
Chính vì vậy, ở xứ ta các cơ quan, đoàn thể… thường xuyên họp để phê bình và tự phê bình sau mỗi đợt tổng kết quí, năm.
Các trường học, thì hay họp kiểm điểm cuối mỗi học kỳ.
Dũng, là sinh viên khoa Y, trường đại học lớn nhất Tây đô.
Sau khi tốt nghiệp, Dũng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy trong khoa.
Ba của Dũng thời đó là một cán bộ cao cấp của tỉnh, sau lên TW chiếm giữ một trong mười lăm chiếc ghế tối thượng.
Má Dũng lại là dân “guộng gặc gòng” miệt Cà Mau.
Dũng giống má, hiền lành, thật thà và hơi có phần nhút nhát.
Dũng học không giỏi nhưng cần cù, lại nhờ phần khí tổ tiên mà được nâng đỡ.
Thời buổi dân chủ, con quan cũng như thứ dân, Dũng cũng phải trải qua một thời gian tập sự như mọi người.
Khoa phân công cho Dũng làm trợ giảng để học thêm kinh nghiệm.
Năm học đầu tiên được làm cán bộ giảng dạy đối với Dũng hoàn toàn suôn sẽ, tuy có vài khó khăn, bỡ ngỡ trong buổi đầu dạy học.
Hết học kỳ một của năm học, khoa tổ chức họp để bình bầu cá nhân xuất sắc, kiểm điểm phê bình và tự phê bình…
Là giảng viên trẻ mới ra trường, nên trong cuộc họp Dũng không có gì để nói và càng không dám nói động đến những cán bộ giảng dạy đàn anh, đàn chị. Tuy nhiên, Dũng chứng kiến các anh, các chị phê bình nhau kịch liệt quá. Từ những lỗi nhỏ trong khi viết giáo án, đến chuyện đi vào lớp trễ một hai phút; từ chuyện ăn mặc hơi cẩu thả đến chuyện nói năng không nghiêm túc… Tất cả đều được bạn bè đồng nghiệp đem ra mổ xẻ, giống như thời sinh viên Dũng chứng kiến cảnh người ta mổ tử thi thực tập.
Mồ hôi đổ ra vì nóng có, vì hồi hộp có và chỉ một lúc sau tai Dũng ù đặc, mắt Dũng mờ và tim thì lúc nào cũng giật thót khi có ai nói những chuyện liên quan đến Dũng, dù chỉ là khen.
Cuối cùng rồi cuộc họp cũng xong, Dũng thở phào nhẹ nhõm và chẳng còn nhớ gì đến diễn tiến cuộc họp vừa qua, ngoại trừ nỗi lo âu vô danh vô thực.
Cuối học kỳ hai.
Đầu tuần, Dũng lên văn phòng khoa để xem các thông báo về những việc cần làm trong tuần, thấy trên bảng ghi “Họp khoa để kiểm điểm cuối học kỳ và cuối năm học vào lúc 14 giờ ngày thứ bảy…”.
Chủ nhiệm khoa đến vỗ vai Dũng : “Kỳ họp lần này em phải phát biểu vài ý kiến, chúng tôi muốn biết ý kiến của các cán bộ giảng dạy mới như các em…”.
Một cảm giác nóng lạnh bao trùm. Mặt Dũng đỏ gay như người say nắng, rồi đột nhiên mất tiếng nói. Dũng cứ ú ớ, mồ hôi thì toát ra đầm đìa, dù trong phòng có máy lạnh.
Mọi người thấy hiện tượng lạ bèn xúm lại.
Đa số đang có mặt tại khoa là các y, bác sỹ làm cán bộ giảng dạy. Họ đa phần đều có nhiều năm kinh nghiệm điều trị bệnh. Trong số này còn có hai vị giáo sư, một là bác sỹ nội khoa, một là bác sỹ nhi khoa. Ngoài ra còn có một vị phó giáo sư bác sỹ khoa ngoại.
Các bác sỹ liền tỏ ra quan tâm đến căn bệnh lạ của Dũng.
Ngoài ra, còn có chút yếu tố tế nhị. Đó là ông bố của Dũng, cái người đang ngự chình ình trên cái ghế tối thượng.
Người xưa từng nói “vị thần, nể cả cây đa”, huống chi đây lại là đại công tử của ông lớn.
Họ thay nhau chuẩn đoán bệnh bằng các phương tiện hiện có trong văn phòng khoa.
Kẻ nói Dũng bị say nắng, người nói Dũng bị viêm họng… mỗi người một phách. Ai cũng lý luận rất hùng hồn, viện dẫn đủ thứ kinh nghiệm điều trị bệnh.
Cuối cùng, vị giáo sư lấy tư cách là người lớn tuổi nhất khoa phán :“Cậu Dũng bị suy nhược nặng, chỉ cần cho nghỉ vài hôm là khỏe thôi, công đoàn khoa nên trích ra ít tiền bồi dưỡng cho Dũng mau khỏe”.
Cán bộ giảng dạy thường là những nhà nghiên cứu. Họ tận dụng mọi cơ hội phát huy khả năng và nâng cao kiến thức để phục vụ giảng dạy. Chính vì vậy mà nhiều người say mê tìm hiểu căn bệnh lạ này.
Và có lẽ cũng muốn “lấy điểm” với vị quan đại thần, trên cả Thượng thư.
Trưa thứ bảy, sau giờ làm việc, chủ nhiệm khoa cùng nhiều bác sỹ trong khoa ghé thăm Dũng.
Nhà của gia đình Dũng là một căn biệt thự sân vườn khá xưa cũ, nằm trên đường Lê Lai, cách Khoa Y của trường không xa. Đi bộ vài bước là đến.
Người nhà Dũng ra mở cổng, mời đoàn cán bộ y bác sỹ đến thăm.
Vào nhà, các bác sỹ thấy bệnh tình của Dũng không hề thuyên giảm.
Sau những thủ tục khám bệnh, nói chuyện xã giao, trà nước… đoàn khách xin phép ra về. Trả sự yên tĩnh cho chủ nhà và người bệnh.
Trước khi ra về, chủ nhiệm khoa tỏ ý thông cảm, nói với Dũng :
- Em cứ yên tâm nằm dưỡng bệnh. Cuộc họp chiều nay thiếu em cũng không sao… cũng còn vài em giảng viên mới khác có thể phát biểu thay.
Nói xong, khách chào chủ nhà, rồi ra về.
Vị bác sỹ phó giáo sư đi sau cùng, chợt nhận thấy một chuyển biến lạ trên khuôn mặt Dũng.
Khuôn mặt đang đỏ gay dần trở nên hòa dịu, cặp mắt Dũng đang lờ đờ bỗng trở nên sáng ra…
Gần trưa chủ nhật, vị phó giáo sư lặng lẽ một mình đến thăm Dũng. Ông nhận thấy bệnh tình của Dũng hoàn toàn bình phục. Nói chuyện tâm tình với Dũng một lúc, mắt ông chợt bừng sáng.
Ba tháng sau, vị phó giáo sư đệ trình lên hội đồng khoa học về phương pháp trị căn bệnh lạ, với tên gọi “Hội chứng sợ kiểm điểm, phê bình”.
Tháng 09 năm 2008
[b]