@ Logic học thần kỳ.
(Tiểu phẩm hài)
Trong giáo trình toán của chúng tôi có môn logic học. Việt Nam ta gọi là toán lô gic.
Giáo sư dạy môn logic học là một ông quá tuổi ngũ tuần, bị cận nặng. Ông tất nhiên là tiến sỹ, vì chỉ có tiến sỹ mới được phong giáo sư.
Đã là giáo sư, tiến sỹ lại dạy môn logic lâu năm, chắc chắn là trình độ của ông không thể tầm thường.
Và nếu ông có bị cận thị nặng, e cũng rất thường tình.
Một hôm, đang đứng lớp, giáo sư bị mất cặp kiếng cận.
Thế mới có chuyện !
Đã là giáo sư, tiến sỹ thì nếu có đãng trí một chút, cũng không có gì lạ.
Cho nên khi thấy giáo sư tìm tìm, kiếm kiếm cái gì đó thì chẳng hề làm chúng tôi thắc mắc.
Và cũng chẳng ai hỏi, giáo sư tìm cái gì. Mọi người đang bận nói chuyện riêng.
Giáo sư bèn quyết định vận dụng tư duy logic để suy luận, tự tìm cho ra kẻ cắp.
Theo tiến trình logic, giáo sư tự đặt vấn đề :
“Kẻ lấy kính của ta thì chắc chắn là ăn trộm. Nó lấy kính cận của mình, thì chắc chắn là nó cần. Nó cần kính cận của mình, suy ra là nó cũng bị cận nặng như mình. Nhưng nếu bị cận nặng, thì làm sao nó thấy được kính của mình mà lấy ? Vậy thì nó phải mang kính. Nhưng nếu có kính, thì nó lấy kính của mình để làm gì ? Như vậy suy ra, không ai lấy kính của mình. Chắc chắn nó chỉ nằm đâu đây thôi. Nhưng... mình đã nhìn khắp nơi mà không thấy kính đâu cả. Mà khoan đã... mình thấy được mọi thứ, có nghĩa là mình không cận. Nhưng rõ ràng bác sỹ đã kết luận là mình bị cận nặng. Từ đó suy ra, mình đang mang kính. A, đây rồi !, cặp mắt kính đang ngự chình ình trên sống mũi của mình”.
Giáo sư thở phào nhẹ nhõm.
Thế là ông thuật lại cho chúng tôi nghe toàn bộ cái quá trình suy luận cực kỳ logic vừa rồi, lấy đó làm một bài học rất thực tế của môn học này.
Cả bọn chúng tôi chỉ còn cách tán thưởng :“Logic học quả là thần kỳ !”.
Tháng 07 năm 2010